ENNEAGRAM là một bộ môn nghiên cứu cổ xưa có nguồn gốc từ Hy Lạp. “Ennea” là số 9 và “Gram” nghĩa là đồ thị, hệ thống Enneagram mô tả sâu sắc về 9 nhóm tính cách ở con người. Mang nhiều ưu điểm vượt trội, Enneagram là hệ thống thực hành phát triển trí tuệ xúc cảm thích hợp cho từng cá nhân “thấu hiểu bản thân” và được ứng dụng rất nhiều trong quản trị, hợp tác, đàm phán, bán hàng…
Enneagram có nguồn gốc và cách hoạt động phức tạp nhưng trắc nghiệm 9 loại tính cách được thiết kế khá gần gũi và dễ tiếp cận. Hãy cùng khám phá xem mình thuộc nhóm tính cách nào, đồng thời kiểm nghiệm độ chính xác xem sao nhé!
Đầu tiên, hãy chọn một mô tả giống bạn nhất. A, B hay C
A – Tôi có vẻ khá độc lập và quyết đoán. Tôi cảm thấy rằng mọi thứ diễn ra tốt nhất khi tôi lao vào làm. Tôi đặt ra các mục tiêu, tập trung tâm trí và mong muốn thực hiện công việc. Tôi không thích ngồi 1 chỗ, tôi muốn đạt được cái gì đó lớn lao và có sức ảnh hưởng. Tôi không hẳn là muốn đối đầu nhưng tôi cũng không để người khác chỉ đạo tôi. Gần như tôi lúc nào cũng biết tôi muốn gì và bắt tay vào thực hiện nó. Tôi có xu hướng “work hard, play hard”.
B – Tôi có vẻ ít nói và thường ở một mình. Tôi thường không muốn có nhiều sự chú ý vào mình. Tôi không cảm thấy thoải mái khi đứng đầu hay ganh đua như những người khác. Sự sôi động của tôi chủ yếu nằm trong trí tưởng tượng, có thể nói tôi giống người đang mơ. Tôi có thể cảm thấy hài lòng mà không cảm thấy mình cần năng động trong mọi tình huống.
C – Tôi có vẻ có trách nhiệm và tận tâm. Tôi cảm thấy rất tệ nếu tôi không thể giữ lời hứa và không thể làm cái người ta mong đợi ở tôi. Tôi muốn mọi người biết rằng tôi ở đây vì họ và tôi sẽ làm những gì tôi tin là tốt nhất cho họ. Tôi hay hi sinh bản thân rất nhiều vì người khác, dù cho họ có để tâm đến hay không. Tôi thường không chăm sóc mình đúng mức, tôi hoàn thành những việc cần làm và nghỉ ngơi nếu còn thời gian.
Tiếp theo tiếp tục chọn X, Y hay Z đúng với bạn nhất
X – Tôi thường duy trì trạng thái tích cực và tin rằng mọi thứ rồi sẽ diễn ra tốt đẹp. Có nhiều thứ làm tôi say mê và bận rộn cả ngày. Tôi thích ở cùng và giúp mọi người vui vẻ, tôi thích chia sẻ niềm vui và năng lượng của mình với người khác (không phải lúc nào tôi cũng có tâm trạng tốt nhưng tôi luôn tỏ ra như vậy). Tuy vậy, việc cố gắng duy trì trạng thái tích cực làm tôi trì hoãn đương đầu với vấn đề của bản thân trong thời gian dài.
Y – Tôi thường có cảm xúc rõ ràng về mọi thứ, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy tôi không vui vì cái gì. Tôi có thể cảnh giác với người khác, nhưng tôi nhạy cảm hơn là tôi làm ra vẻ. Tôi muốn biết tôi đang ở đâu trong mối quan hệ với người khác và tôi có thể trông cậy vào đâu; mọi người thường cảm thấy rõ quan hệ của họ với tôi như thế nào. Khi tôi buồn bực về một cái gì đó, tôi muốn người khác cũng có cảm giác giống tôi. Tôi biết rõ quy tắc nhưng tôi không muốn người khác phải bảo tôi phải làm gì. Tôi muốn tự quyết định cho chính mình.
Z – Tôi có xu hướng tự chủ và logic hóa mọi thứ. Tôi cảm thấy không thoải mái khi xử lý tình cảm, cảm xúc. Tôi rất có năng lực và thích tự làm việc một mình. Khi có vấn đề xung đột cá nhân, tôi cố không để cảm xúc của mình xen vào. Tôi có thể bị cho rằng là lạnh lùng, tách rời nhưng tôi không muốn biểu lộ cảm xúc để mà che đi những thứ thực sự quan trọng với tôi. Tôi thường không thể hiện phản ứng khi người khác tác động vào tôi.
Bây giờ hãy ghép 2 chữ cái bạn có với nhau, bạn sẽ biết mình thuộc nhóm nào nhé
1. CZ: THE REFORMER – Người cầu toàn
Họ là những người tận tâm, chu đáo, cẩn thận và sống dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và ý thức mạnh mẽ về cái đúng, cái sai. Họ là các giáo viên, những người tham gia các cuộc cải cách, vận động và những người ủng hộ cho sự thay đổi: luôn luôn cố gắng để cải thiện mọi thứ nhưng lại sợ gây ra lỗi lầm.
Có tổ chức, theo thứ tự và khó chiều, họ nỗ lực để duy trì những tiêu chuẩn cao nhất nhưng điều này dễ khiến họ sa vào cầu toàn và phán xét.
Lời khuyên nho nhỏ: đừng quá chú ý vào chi tiết, học cách ủy nhiệm, không nên quá khắt khe, trước khi phê bình người khác cần suy nghĩ thấu đáo để tránh ứng xử quá hà khắc và gay gắt. Và quan trọng, phải hài lòng với bản thân.
2. CX: THE HELPER – Người tình cảm
Họ là những người dễ cảm thông, thân thiện và có trái tim ấm áp. Họ gần gũi, hào phóng và sẵn sàng hy sinh bản thân mình nhưng cũng rất ủy mị, ưa nịnh và cố gắng làm hài lòng mọi người.
Họ có thiện chí và chủ động để hòa hợp với mọi người nhưng dễ bị sa vào hiện tượng sẵn sàng làm bất cứ thứ gì cho bất cứ ai chỉ để được công nhận.
Lời khuyên nho nhỏ: cần quan tâm đến bản thân nhiều hơn, tự tạo lập ý thức cá nhân mạnh mẽ, học cách cân bằng giữa cảm xúc và thực tế.
3. AZ: THE ACHIEVER – Người tham vọng
Họ là những người dễ tạo sự tin tưởng, hấp dẫn và lôi cuốn. Sống có hoài bão, tài năng và tràn đầy năng lượng, nhóm 3 cũng muốn nhận được sự công nhận từ phía xã hội và có lực đẩy lớn vào sự cải tiến.
Họ có tài ngoại giao, đĩnh đạc nhưng đôi khi cũng quan tâm thái quá vào hình ảnh bên ngoài và điều người khác nghĩ về họ.
Lời khuyên nho nhỏ: 3 yêu bản thân và thích thể hiện nhưng không được thái quá nếu không sẽ khiến người khác phản cảm. Vì tính hiếu thắng nên khó có bạn bè, sợ người khác nhìn thấu bản thân nên dễ cảm thấy cô độc. Nếu sống thật với con người của mình, 3 sẽ thấy hạnh phúc hơn.
4. BY: THE INDIVIDUALIST – Người chủ nghĩa cá nhân
Nhóm 4 nhận thức được bản thân mình, họ nhạy cảm và dè dặt. Họ có cảm xúc chân thành, là người sáng tạo cá tính nhưng hay thay đổi tâm trạng. Từ chối không giúp đỡ người khác vì cảm thấy bị tổn thương và bản thân yếu kém, họ sẽ bất cần và tách biệt khỏi cuộc sống bình thường.
Lời khuyên nho nhỏ: học cách đặt ra kỷ luật cho bản thân vì ngay cả những công việc mang tính sáng tạo cũng đòi hỏi khắt khe về thời gian, không nên quá tách rời với mọi người xung quanh.
5. BZ: THE INVESTIGATOR – Người lý trí
Nhóm 5 hay cảnh giác, cũng rất sáng suốt và tò mò. Họ có thể tập trung vào một ý tưởng hay kỹ năng phức tạp. Họ độc lập, cải tiến, có óc sáng tạo, họ thường bận rộn với những suy nghĩ và tưởng tượng của bản thân. Họ vô tư nhưng cũng dễ xúc động và tách rời.
Lời khuyên nho nhỏ: chú ý cân bằng giữa lý luận và thực tiễn. Chia sẻ nhiều hơn về bản thân – những suy nghĩ, cảm xúc, và kinh nghiệm cá nhân.
6. CY: THE LOYALIST – Người trung thành
Họ là người có sự cam kết cao, hướng đến sự an toàn, rất đáng tin cậy, chăm chỉ, có trách nhiệm và nỗ lực để xứng đáng với sự tin cậy đó. Nhóm 6 là những người xuất sắc trong việc tìm kiếm và giải quyết các vấn đề nhưng cũng hành động trong thế phòng ngự, đôi khi lẩn tránh và lo lắng.
Họ thận trọng và do dự nhưng cũng biết phản kháng, có chút ương ngạnh và chống đối.
Lời khuyên nho nhỏ: Tin tưởng chính mình nhiều hơn bằng cách hỏi bản thân cái gì bạn sẽ khuyên người khác trong tình huống tương tự.
7. AX: THE ENTHUSIASTIC – Người nhiệt tình
Họ là những người hướng ngoại, lạc quan, tháo vát và rất linh hoạt. Tinh nghịch, có tinh thần cao và thực tế, nhưng đôi khi tài năng của họ không đúng lúc đúng chỗ gây thái quá, dễ bị phân tán và thiếu kỉ luật.
Họ liên tục tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, thú vị nhưng cũng có thể bị xao nhãng và cảm thấy kiệt sức ngay chính trong những việc họ đang làm.
Lời khuyên nho nhỏ: Nói ít lại, nghe nhiều hơn, tập suy nghĩ trưởng thành hơn, và tập trung cân bằng giữa điều hành và tự phát ý tưởng.
8. AY: THE CHALLENGER – Người thách thức
Nhóm 8 rất tự tin vào bản thân, can đảm và quyết đoán. Luôn muốn bảo vệ người khác, tháo vát, thẳng thắn và dứt khoát nhưng cũng rất cứng đầu và độc đoán.
Người nhóm này cảm thấy họ buộc phải kiểm soát mọi thứ xung quanh, đặc biệt là mọi người, thi thoảng thích đối đầu và rất đáng sợ.
Lời khuyên nho nhỏ: đừng can thiệp quá sâu vào việc của người khác và để ý những việc vụn vặt. Cởi mở và thoải mái hơn khi nói về các điểm yếu, nỗi buồn và sự lo lắng của bản thân.
9. BX: THE PEACEMAKER – Người ôn hòa
Nhóm 9 là những người đáng tin, cởi mở, dễ chấp thuận. Họ thường rất sáng tạo, lạc quan và thông cảm với người khác, đồng thời, sẵn sàng thỏa hiệp với mọi người để giữ hòa khí.
Họ muốn mọi thứ được vận hành một cách mượt mà và luôn như vậy mà không xảy ra mâu thuẫn nhưng điều này có thể khiến họ có xu hướng tự thỏa mãn, hài lòng, đơn giản hóa vấn đề và tối thiểu hóa các tình huống gây lo lắng.